Cao Tốc Bến Lức - Long Thành tắc vốn nhà thầu chấm dứt hợp đồng. Được ký hợp đồng từ tháng 6/2015, 2 gói thầu (J1, J3) của Dự án Xây dựng đường Cao Tốc Bến Lức - Long Thành (hợp phần JICA tài trợ) đã nhiều lần trễ hẹn về đích. Đến nay, mặc dù tiến độ thực hiện 2 gói thầu này đã đạt đến trên 80%, nhưng nhà thầu Nhật Bản liên tục đòi chấm dứt và thanh lý hợp đồng do việc " Tắc " giải ngân nguồn vốn.
Dự án Cao Tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức vốn đầu tư 1.607,4 triệu USD, trong đó:
- Vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD;
- Vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 634,8 triệu USD;
- Vốn đối ứng là 336,9 triệu USD. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường Cao Tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Nhà thầu trúng Gói thầu xây lắp J1 Cầu Bình Khánh (Km21+739,5 - Km24+503) là Liên danh Shimizu Corporation (Nhật Bản) - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex (Vinaconex E&C) với giá trúng thầu 4.069.358.675 Yên Nhật và 3.017 tỷ đồng. Gói thầu J1 được khởi công vào tháng 4/2016.
Nhà thầu trúng Gói thầu xây lắp J3 Cầu Phước Khánh (Km 29+264 - Km 32+450) là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Liên danh Sumitomo - Cienco4). Giá trúng thầu là 3.922.178.442 Yên Nhật và 2.844 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 42 tháng. Gói thầu J3 được khởi công vào tháng 7/2015. Theo tiến độ dự kiến, Gói thầu J1 hoàn thành vào tháng 3/2020 và Gói thầu J3 hoàn thành vào đầu năm 2019.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án bị vướng mắc về nguồn vốn. Vì thế, từ tháng 1/2019 đến nay, việc thi công gói thầu J1, J3 và các gói thầu khác của Dự án buộc phải giãn tiến độ. Nhà thầu thi công Gói thầu J3 đã dừng thi công từ ngày 20/9/2019 và nhà thầu thi công Gói thầu J1 dừng thi công từ ngày 28/10/2019.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, ngoài việc chậm được đưa vào khai thác, gây lãng phí lớn thì công tác bảo đảm an ninh, an toàn của Dự án cũng là vấn đề rất lớn. Cao Tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km, do không được bố trí vốn đã dừng thi công gần 2 năm. Nhiều đơn vị thi công đã rút bớt thiết bị, máy móc, chỉ bố trí một số lượng nhỏ lao động trông coi nên việc xảy ra các sự cố về an toàn lao động là khó tránh khỏi.
Hai năm ngừng thi công 2 gói thầu J1, J3 đã phát sinh chi phí lên tới hàng chục triệu USD do phải duy trì công trường, máy móc, nhân lực, thiết bị chờ... Đây mới chỉ là chi phí kéo dài thời gian hợp đồng và phí chờ đợi của nhà thầu.
Sau nhiều lần đệ trình và yêu cầu giải quyết dứt điểm việc " Tắc " vốn giải ngân, thanh toán cho khối lượng công việc thực hiện tại gói thầu J1, J3, các nhà thầu Nhật Bản đã liên tục khiếu nại và yêu cầu chấm dứt, thanh lý hợp đồng thi công đã ký với VEC, và đền bù thiệt hại cho nhà thầu tương ứng với khoảng thời gian chậm thanh toán và các chi phí phát sinh.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân chính dẫn đến " Tắc " nguồn vốn giải ngân cho 2 gói thầu J1, J3 chính là các quy định liên quan đến việc tái cơ cấu nguồn vốn các dự án của VEC. Hiện nay, việc bố trí vốn nước ngoài cho đoạn sử dụng vốn vay JICA (gói J1, J3) và vốn đối ứng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù các bên liên quan đã có rất nhiều nỗ lực.
Những tồn tại trên kéo dài trong gần 2 năm, chưa được giải quyết dẫn đến ảnh hưởng nguồn vốn để tái khởi động thi công các gói thầu liên quan và tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Theo một lãnh đạo của VEC cho biết,
- Gói thầu J2 của Dự án đã hoàn thành khối lượng công việc
- Gói thầu J1 đã thực hiện được trên 80% khối lượng công việc.
- Gói thầu J3 thực hiện được khoảng 87% khối lượng công việc
Nhưng những khó khăn của Dự án đến giờ vẫn chưa có phương án tháo gỡ, nhà thầu nước ngoài liên tục đòi đơn phương chấm dứt hợp đồng. VEC đã nhiều lần báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ để tìm cách tháo gỡ gấp những khó khăn, vướng mắc cho Dự án nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro về pháp lý và nguy cơ thiệt hại kinh tế tại Dự án.
Xem thêm:
👉 Giá đất huyện Long Thành tăng nhờ cú hích hạ tầng giao thông
👉 Phương án tái định cư kết nối sân bay Long Thành
👉 Tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành ?
👉 Long Thành sẽ trở thành đô thị loại III tầm nhìn 2025 - 2030
👉 Thông tin quy hoạch về sân bay quốc tế Long Thành
👉 DT 769 kết nối sân bay Long Thành mở rộng đầu tư 1.600 tỷ đồng
👉 Long Thành sẽ là thành phố Sân Bay trong năm 2030
👉 Sức hút của các đô thị vùng ven sân bay Long Thành
👉 Long Thành chính thức bàn giao đất tại khu tái định cư Lộc An