Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 1 đoạn Dầu Giây - Tân Phú thuộc dự án Cao Tốc Dầu Giây - Liên Khương. Dự án Cao Tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu giao với QL1 tại Km 1829+500, trùng với điểm cuối Cao Tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Dầu Giây (H.Thống Nhất, Đồng Nai), điểm cuối tại Km 59+594, giao cắt với QL20 tại Km 69+400, thuộc địa phận xã Phú Trung. (H.Tân Phú, Đồng Nai)
Chủ đầu tư Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 24, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai dự án đường bộ Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Bố trí ngân sách giai đoạn 2021-2025
Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Cao Tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) trong giai đoạn 2021-2025 theo phương thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tổ chức huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để bảo đảm phần vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án khi được giao là cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến bằng văn bản về việc bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tham gia dự án theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng làm căn cứ xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (trong đó làm rõ phương án tài chính huy động nguồn vốn thực hiện dự án: Vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà đầu tư, tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật), báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3.2021.
Đồng thời đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của nhà nước để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cân đối bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phần tham gia vốn vào dự án, sớm báo cáo Chính phủ để kịp thời trình Quốc hội.
UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tốt theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Tiến độ Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Được biết, trước đó vào tháng 1.2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuẩn bị thực hiện dự án đường Cao Tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài khoảng 67 km, quy mô 4 làn xe thuộc tuyến Cao Tốc Dầu Giây - Liên Khương. UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án đường Cao Tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức PPP, có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước.
Dự án có tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) khoảng 18.200 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện), vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 khoảng 9.700 tỷ đồng.
Các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ ngành liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các thủ tục nhanh chóng theo quy định.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về việc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là Cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5.2.
Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các Dự án BOT khác đã và đang được đầu tư, Cao Tốc Phan Thiết - Dầu Giây... không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn Cao Tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến Cao Tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến. Có thể xem xét tiếp tục giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền nếu hợp lý và địa phương đề nghị.
Dự án được đề xuất theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ kinh phí 1.300 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư BOT ước tính dưới 15 năm 6 tháng khai thác. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, các bước lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện để khởi công dự án vào quý 4/2022, hoàn thành đưa vào khai thác công trình vào quý 1/2025.
Thông tin quy hoạch Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Đoạn Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc thuộc tuyến Cao Tốc Dầu Giây - Liên Khương nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ Cao Tốc Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1.3.2016. Đây được xem là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển Kinh Tế - Xã Hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng cũng như khu vực Tây Nguyên. Việc sớm triển khai dự án sẽ giải quyết được nút thắt lớn nhất của Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc có độ dốc lớn, quanh co, hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong mùa mưa gây sạt lở đất, nhiều năm qua chưa giải quyết được.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 59,6 km được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường Cao Tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, vận tốc khai thác 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 6.619 tỷ đồng.
Tiềm năng phát triển tỉnh Lâm Đồng nhờ Cao Tốc Tân Phú - Bảo Lộc
“Để thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng phát triển xứng tầm là trung tâm du lịch quốc tế, khai thac tốt nhất lợi thế về điều kiện tự nhiên thì phải có giao thông kết nối tốt, năng lực vận tải lớn, trong khi đường hàng không còn những hạn chế nhất định. Việc phát triển đường bộ Cao Tốc kết nối với Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên là yêu cầu chính đáng và khát khao của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, phương án nghiên cứu đề xuất của tỉnh Lâm Đồng bước đầu là khả thi về phương án tài chính. Dự án cơ bản phù hợp với nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 973 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội (ưu tiên bố trí vốn các dự án kết nối, có tác động liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững...)”, thông báo nêu rõ.