Hệ thống Soya Garden rút khỏi TP. Hồ Chí Minh. Cửa hàng Soya Garden tại Ngã 6 Phù Đồng, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh vừa đóng cửa vào cuối tháng qua. Đây là cửa hàng flagship với vị trí đắt đỏ giữa trung tâm thành phố và cũng là chi nhánh cuối cùng tại đây. hệ thống cửa hàng sữa đậu nành Soya Garden đã chính thức đóng cửa hàng cuối cùng tại TP. Hồ Chí Minh, co về hoạt động tại Hà Nội.
Khai trương vào tháng 7/2019, cửa hàng này đánh dấu đỉnh cao phát triển của Soya Garden khi là cửa hàng thứ 50 ở 5 thị trường là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang. Từ sau cột mốc đó, hệ thống bắt đầu thu hẹp khi lần lượt đóng bớt cửa hàng. Đến nay, Soya Garden chỉ còn lại 8 cửa hàng tại Hà Nội.
Đại diện Egroup cho biết: Chủ sở hữu của hệ thống chia sẻ việc đóng cửa là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí mặt bằng và nhân công để tăng cường doanh thu cho hệ thống.
Ngoài ra, Covid-19 mang đến nhiều tác động tiêu cực, cùng với việc nhu cầu người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chuyển sang đặt hàng online nhiều hơn. "Do đó, việc duy trì các mặt bằng lớn với chi phí đắt đỏ trở nên không thực sự cần thiết và phù hợp với điều kiện ở hiện tại", đại diện công ty cho biết.
Soya Garden được Hoàng Anh Tuấn và chị gái Hoàng Thu Thủy sáng lập vào năm 2016. Họ tin rằng, sau cà phê và trà, sữa đậu nành sẽ là một lựa chọn mới, đặc biệt là dòng thức uống có nguồn gốc hữu cơ. Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng chưa có hệ thống hệ thống lớn chuyên về sữa đậu nành.
Startup này được chú ý khi huy động 20 Tỷ VND năm 2018 từ Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy sau khi tham gia "Shark Tank - Thương vụ Bạc tỷ" mùa 2. Đến đầu năm 2019, Egroup nâng mức đầu tư thành 45 tỷ cho Soya Garden. Nhận được vốn lớn, Soya Garden từ 2 cửa hàng ban đầu nhanh chóng cán mốc 30 cửa hàng.
Đến tháng 4/2019, Egroup nâng tổng mức đầu tư lên 100 Tỷ VND, biến Soya Garden trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất của Shark Tank Việt Nam hai mùa đầu. Khi ấy, CEO Hoàng Anh Tuấn nói mục tiêu là đạt mốc 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng vào năm 2021.
Tuy nhiên, từ năm ngoái, Soya Garden bắt đầu thu hẹp quy mô. Cuối tháng 1/2020, họ còn 45 cửa hàng toàn quốc. Đến cuối tháng 5, sau đợt giãn cách xã hội chống Covid-19, hệ thống này bắt đầu đóng hàng loạt cửa hàng, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh.
Khi đó, Hoàng Anh Tuấn cho biết đang tái cấu trúc, phát triển dạng cửa hàng ki-ốt. Nhưng đến tháng 8/2020, Anh Tuấn rời ghế CEO. Thời điểm đó, Soya Garden có 17 cửa hàng, với 2 tại TP. Hồ Chí Minh, gồm cửa hàng ở Ngã 6 Phù Đổng.
Với 8 cửa hàng còn hoạt động Hà Nội, đại diện Egroup cho biết "đây đều là các cửa hàng hoạt động tinh gọn và hiệu quả nhất". Về dự định sắp tới, Soya Garden cho hay đang có kế hoạch chuyển đổi mô hình nhỏ nhằm tiết giảm chi phí mặt bằng, vận hành và nhân công. "Tất nhiên, chúng tôi vẫn giữ lại một số cửa hàng có doanh thu tốt ở thị trường Hà Nội", phía công ty nói.
Đồng thời, hệ thống đang tìm cách phát triển thêm các kênh bán hàng trực tuyến. Họ đang phân phối sản phẩm trên các nền tảng như Grab, Now, Foody, Baemin, VinID và cho biết đang có kết quả "tương đối tốt" và được khách hàng hưởng ứng.
Tận dụng hệ sinh thái của Egroup, hệ thống này còn đang thử nghiệm đưa đồ uống của mình vào các chương trình giáo dục về tiếng Anh để gia tăng tệp khách hàng. Ngoài ra, hệ thống đang có kế hoạch sẽ kết hợp với một số thương hiệu về F&B, xây dựng mô hình Soya Bistro tương tự như một số nhà hàng đa dạng hiện khá phổ biến tại các thành phố du lịch phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
"Sự ảnh hưởng của các làn sóng Covid-19 đến mọi mặt đời sống Kinh tế - Xã hội của thế giới và trong nước là điều không thể phủ nhận. Nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cũng đã chấp nhận thu hẹp quy mô, chuyển đổi mô hình để duy trì hoạt động và thích ứng linh hoạt trong bối cảnh hiện tại. Soya Garden cũng không nằm ngoài làn sóng đó", đại diện Egroup nói.