Lâm Đồng với doanh nghiệp Ấn Độ thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề muốn nhập khẩu trứng tằm từ Ấn Độ, đề nghị phía bạn cung cấp địa chỉ đầu mối để các doanh nghiệp có thể kết nối liên hệ để tìm hiểu thông tin trực tiếp.
Ngày 22/4 tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Lâm Đồng và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam) và hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp” theo hướng công nghệ cao.
Hội nghị kết nối đầu cầu Tỉnh Lâm Đồng với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và một số tổ chức, cá nhân tại đầu cầu Ấn Độ. Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi tham dự trực tiếp tại đầu cầu Tỉnh Lâm Đồng. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh Lâm Đồng cho biết Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu Việt Nam về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay các doanh nghiệp, hộ nông dân đang sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, trong đó nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận sở hữu thương hiệu như các các sản phẩm rau, hoa, chè, cà phê và nhiều loại sản phẩm khác. Đây là một trong những điều kiện để các doanh nghiệp Tỉnh Lâm Đồng mở rộng giao lưu, hợp tác sản xuất và trao đổi hàng hóa với các nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh Lâm Đồng sang Ấn Độ đạt 110 triệu USD với các sản phẩm thế mạnh như càphê, tơ tằm, vải sợi tơ tằm, bauxite nhôm…
Tuy nhiên, Tỉnh Lâm Đồng đánh giá, việc hợp tác trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của cả hai bên. Vẫn còn rất nhiều dư địa để hai bên tăng cường hơn nữa nâng kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu trong thời gian tới. Khách hàng Ấn Độ có những ấn tượng tốt về sản phẩm nông sản của Lâm Đồng. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam mong muốn hai bên sẽ trở thành đối tác chiến lược, toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, đánh giá, hội nghị này là cơ hội để hai bên thảo luận về tiềm năng cơ hội hợp tác. Trong thời gian qua hơn 50% nông sản xuất khẩu tại Lâm Đồng đã có mặt tại Ấn Độ.
Theo ông M. Angamuthu, Chủ tịch Cơ quan Phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và chế biến nông sản Ấn Độ, cần tiếp tục cải thiện hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp. Lĩnh vực này có những nguyên tắc cơ bản là sự kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất của người nông dân với nhà xuất khẩu với các sản phẩm được đa dạng hóa. Tùy từng sản phẩm đặc thù mà có phương pháp tiếp cận khác nhau. Mỗi vùng, mỗi địa phương có một loại sản phẩm riêng biệt như chuối, gạo… Hai bên đều có những kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và có thể trao đổi, hợp tác trong sản xuất và kinh doanh các mặt hàng có giá trị cao nhất của hai bên…
Tại hội nghị, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã thảo luận, tìm hiểu thêm về các đối tác hai bên. Tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu một số dự án trọng điểm như Nhà máy chế biến cà chua ở huyện Đơn Dương; Cụm công nghiệp Ka Đô với các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài nước…
Các đối tác Ấn Độ đã đặt câu hỏi về các giải pháp để hạn chế sự tác động biến đổi khí hậu, việc sản sinh ra nhiều khí thải trong sản xuất nông nghiệp; đặt vấn đề tìm nguồn xuất khẩu hạt diêm mạch (Quinoa) từ Việt Nam và mong muốn Việt Nam hợp tác sản xuất và xuất khẩu loại hạt này sang Ấn Độ; nêu lên nhu cầu cần nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp như tỏi, mật ong, trái cây…
Tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề muốn nhập khẩu trứng tằm từ Ấn Độ; đề nghị phía bạn cung cấp địa chỉ đầu mối để các doanh nghiệp có thể kết nối liên hệ để tìm hiểu thông tin trực tiếp. Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết, từ kết quả tại Hội nghị này cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và doanh nghiêp Ấn Độ sẽ sát cánh với Tỉnh Lâm Đồng trong quan hệ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới.
Ngay sau cuộc làm việc hôm nay, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kết nối các đại diện để cung cấp thông tin, địa chỉ đường dẫn về các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các sản phẩm mà Tỉnh Lâm Đồng cần tìm hiểu.
Theo chương trình, chiều cùng ngày 22/4, Ban Tổ chức Hội nghị sẽ tiếp tục tổ chức phiên giao lưu doanh nghiệp giữa các sở, ban, ngành, thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và 12 doanh nghiệp của Tỉnh Lâm Đồng với các cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp từ đầu cầu Ấn Độ…