Ba tập đoàn của Mỹ: Bechtel, General Electric, McDermott ký thỏa thuận cùng triển khai thiết bị trị giá 3 tỷ USD cho dự án Nhà máy điện khí hoá lỏng tại Bạc Liêu.
Lễ ký thỏa thuận hợp tác tổng thể giữa ba tập đoàn Mỹ nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF) diễn ra tại Hà Nội sáng nay. "Mục đích thỏa thuận là cho phép sử dụng thiết bị, dịch vụ kỹ thuật trị giá 3 tỷ USD từ Bechtel, General Electric và McDermott, ứng dụng những công nghệ và kỹ thuật tốt nhất của Mỹ", theo thông cáo của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu có tổng công suất 3.200 MW, là dự án điện quy mô lớn lần đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập), theo Báo Chính phủ.
Dự án có nhà đầu tư chính là Delta Offshore Energy, tổng mức đầu tư 4 tỷ USD và dự kiến lượng nhập khẩu lên đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư của Việt Nam.
Trung tâm điện khí dự kiến được khởi công vào quý II/2021 và hoàn thành 36 tháng, vận hành tổ máy đầu tiên vào năm 2024 và hoàn thành đủ công suất 3.200MW năm 2027. Khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ đóng góp sản lượng điện lên đến khoảng 20 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định và giá cả cạnh tranh phục vụ cho đất nước cũng như nền kinh tế đang trên đà phát triển.
"Đây là mô hình tiêu biểu cho quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ về thương mại, đầu tư và an ninh năng lượng, mở ra một chân trời mới cho các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Việt Nam", theo đại sứ quán Mỹ.
Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) đang hỗ trợ 16 dự án năng lượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong vòng ba năm qua nhằm tạo cơ hội xuất khẩu cho các công ty nước này. Trong khuôn khổ IPBF 2020, USTDA đã công bố những cam kết hoàn chỉnh cùng hàng loạt sáng kiến tăng cường quan hệ kinh tế giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có những dự án về năng lượng.
Theo đó, USTDA sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khí thiên nhiên thông qua trao đổi các phái đoàn thương mại, giúp quan chức Việt Nam, Bangladesh và Thái Lan đến Mỹ đánh giá những giải pháp tối nhất cho việc lên kế hoạch phát triển hạ tầng khí thiên nhiên và chứng kiến những công nghệ, thiết bị và dịch vụ tiên tiến nhất của Mỹ.
Trong khi đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng triển khai sáng kiến Cải thiện Phát triển và Tăng trưởng châu Á thông qua Năng lượng (Asia EDGE) nhằm hỗ trợ tầm nhìn của Washington về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do, đồng thời phát triển thị trường năng lượng bền vững và an toàn khắp khu vực.