Từ khi hai anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP. HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Alibaba.
1. Hàng trăm đối tượng liên quan đến vụ "siêu lừa đảo" 2.500 tỷ của hơn 6.700 khách hàng
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định trong thời gian tới, các đơn vị tập trung lực lượng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng khác có liên quan.
Ban Giám đốc Công an TP. HCM cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP. HCM đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra, xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
1.1 Hàng trăm lá đơn mới tố cáo vụ 2.500 tỷ của hơn 6.700 khách hàng
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên để thu gom số lượng lớn đất nông nghiệp rồi giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh, thành phía Nam; chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…
Đồng thời, tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho hàng ngàn khách hàng, thu hàng ngàn tỉ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin: "Qua kiểm tra bước đầu, có rất nhiều mảnh đất (đất nông nghiệp), đất không nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Bằng hình thức như vậy, Công ty Alibaba đã quảng cáo tạo niềm tin, kêu gọi nhiều người góp tiền để phát triển dự án, cùng chia lợi. Nhưng bản chất thì không phải như vậy".
Một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Công ty Alibaba đã lập 40 dự án "ma" ở 3 tỉnh, thành để bán đất nền cho 6.700 người, thu 2.650 tỉ đồng. Từ khi hai anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP. HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo. Đến nay, Công an TP. HCM đã nhận gần 200 đơn của các nạn nhân tố cáo Công ty Alibaba.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng kêu gọi các khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba liên hệ Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cơ quan CSĐT ở các địa phương có liên quan cung cấp thông tin để phục vụ điều tra làm rõ vụ án.
1.2 Chính quyền địa phương ở đâu?
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP. HCM), cách đây vài năm, các dự án bất động sản "chui, không phép, ma", thường thi công hạ tầng như đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, cắm cọc phân lô hay xây dựng các công trình khác vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần nên chính quyền địa phương có thể do lực lượng mỏng, thiếu và một phần người dân xung quanh chưa cảnh giác, không phát hiện hoặc phát hiện chậm.
Cũng theo luật sư Toàn, 3 năm trở lại đây, các dự án "ma" tập hợp vật tư, thiết bị, nhân lực rầm rộ, khuếch trương… thi công vào cả các ngày làm việc trong tuần, thậm chí khi có mặt của chính quyền địa phương. Vì vậy, những chủ dự án "ma" mới có đất sống, đánh vào sự ham muốn lợi nhuận của nhiều người.
"Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để cho người dân gom góp tiền bạc, thậm chí có người còn dùng cả gia tài của gia đình để đầu tư vào những dự án "ma" này?"
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành, nhất là cán bộ phụ trách tài nguyên và môi trường, địa chính, tư pháp ở các địa phương phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân không bị mắc lừa bởi các dự án đất "ma", đất ảo.
Luật sư Toàn đề nghị nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức. Các địa phương phải nắm bắt và giải quyết kịp thời những vi phạm, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm công vụ cho các cán bộ được phân công phụ trách. Có hình thức kỷ luật thích đáng nếu phát hiện cán bộ có hành vi tiếp tay với các đối tượng lợi dụng việc mua đất đai bất hợp pháp để trục lợi.
Ngày 21-9, tại trụ sở Công an TP. HCM, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đã chủ trì buổi trao thưởng cho 6 tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty liên quan. Phát biểu tại buổi trao thưởng, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương các đơn vị đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong điều tra án, bước đầu khởi tố vụ án, bị can đúng người, đúng tội.
2. Nguyễn Thái Luyện (CEO Địa ốc Alibaba) khai báo bước đầu về khoản tiền 2.500 tỷ đồng đã chiếm đoạt của gần 7.000 khách hàng
Ngay giai đoạn đầu điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong toả một số tài sản ngân hàng của công ty địa ốc Alibaba, của Nguyễn Thái Luyện , Nguyễn Thái Lĩnh. Về số tiền trong các tài khoản phong toả này, hiện cơ quan Công an chưa tiết lộ. Động thái này của Công an nhằm góp phần vào việc khắc phục hậu quả của vụ án.
Quá trình điều tra, anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh đã khai báo về khoản tiền 2.500 tỷ đồng lừa đảo, chiếm đoạt của hơn 6.700 khách hàng.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn đang mở rộng điều tra vụ anh em Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT) - Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc công ty CP địa ốc Alibaba) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thống kê, tang vật này bao gồm: 376 thùng tài liệu là những chứng từ sổ sách của Alibaba, các công ty con; hơn 9 tỷ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ô tô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất ở nhiều tỉnh, thành...
Nguồn thông tin từ cơ quan Công an tiết lộ, số tang vật tài sản thu giữ, số tiền trong các tài khoản ngân hàng là… không đáng kể so với số tiền 2.500 tỷ đồng mà Nguyễn Thái Luyện và bộ sậu Alibaba đã chiếm đoạt của khách hàng. Vậy phần lớn số tiền đó đã đi đâu, được sử dụng như thế nào.
Vẽ đường đi "lừa đảo" nghìn tỉ
Ngay khi bắt giữ anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, cơ quan Công an đã tập trung khai thác và 2 người này bước đầu khai báo về "đường đi" số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân.
Ban đầu, Alibaba mời chào khách hàng đầu tư mua đất với rất rẻ so với thị trường, mỗi lô có giá khoảng 300 - 400 triệu, tùy vị trí “dự án”. Tiếp đó, một trong các công ty con của Alibaba đứng ra ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng.
Trong hợp đồng này, công ty con của Alibaba yêu cầu khách hàng thanh toán làm 2 đợt.
- Đợt 1 là ngay sau ký hợp đồng (95% giá trị lô đất),
- Đợt 2 thanh toán 5% giá trị lô đất và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Với nhiều khách hàng trước đây, thời hạn công ty bàn giao đất là 12 tháng, còn gần đây chỉ còn 6 tháng.
Sau khi ký hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thanh toán tiền, khách hàng sẽ ký tiếp “hợp đồng quyền chọn” với Alibaba. Trong hợp đồng này, Alibaba đưa ra 4 phương án để khách hàng lựa chọn.
- Là, Alibaba thuê lại đất của khách hàng với giá thuê 2%/tháng trên tổng giá trị nền đất, thời gian thuê là 12 tháng, chỉ áp dụng cho các trường hợp thanh toán 95% giá trị nền đất.
- Là, Aliabba mua lại của khách hàng với chênh lệch 30% sau 12 tháng.
- Là, Alibaba mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng.
- Là, thanh toán 50% và trả góp 3 triệu đồng/tháng, lãi suất 0% và Alibaba sẽ mua lại với chênh lệch 38% sau 15 tháng, khi thanh toán đủ 95% giá trị nền đất.
Khách hàng sẽ nhận được lãi suất tương ứng với 1 trong các quyền chọn trên.