Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khi hoàn thành, kết nối với tuyến TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, thời gian từ Sài Gòn về Tây Đô chỉ còn 2 tiếng. Ngày 4/1, dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công tại Xã Thuận An, thị Xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát lệnh khởi công.
Công trình dài gần 23 km, trong đó hơn 10 km đi qua Đồng Tháp, còn lại là trên địa bàn Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại Phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long. Điểm cuối tại nút giao cầu Chà Và, kết nối Quốc lộ 1, thuộc Xã Thuận An, thị Xã Bình Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Hạ tầng Giao thông Cửu Long được Bộ Giao thông Vận tải giao quản lý dự án.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được thiết kế 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m. Giai đoạn một phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Tuyến cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023.
Đến nay, các địa phương đã giải phóng mặt bằng, bàn giao được 17,8 km, giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng đạt trên 96%. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nằm trong tổng thể trục đường cao tốc từ TP. HCM đến Cần Thơ và là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2010.
Trong đó, đoạn TP. HCM - Trung Lương đã được sử dụng từ tháng 2/2010. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận hơn 51 km được đầu tư theo hình thức BOT, hôm nay cũng được thông tuyến, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021. Cầu Mỹ thuận 2 đang được xây dựng bằng vốn trái phiếu, dự kiến hoàn thành năm 2023. Do đó, việc đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc TP. HCM - Cần Thơ theo quy hoạch đã phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ông Trần Văn Thi - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Hạ tầng Giao thông Cửu Long cho biết, khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành sẽ hoàn chỉnh 120 km tuyến cao tốc phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.
"Khi đó, trong điều kiện không kẹt xe, thời gian các phương tiên từ TP. HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng như hiện nay; giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1; thúc đẩy phát triển kinh tế Xã hội miền Tây; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt", ông Thi nói. Phát biểu phát lệnh khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng, phải hoàn thành vào năm 2022 như cam kết.
"Trong đó, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được chuyển từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công (tháng 4/2020) là nhằm giảm gánh nặng chi phí cho Đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí cho xuất khẩu hàng hóa, nông sản", Thủ tướng nói và chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị thiết kế, giám sát, tư vấn và thi công phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình tốt nhất.
Các địa phương liên quan cam kết giải phóng, bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công; quan tâm sớm bố trí tái định cư, tạo đời sống mới để nhân dân vui lòng giao mặt bằng theo đúng quy định... Tại miền Tây, hiện có nhiều cao tốc được triển khai xây dựng. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, kinh phí hơn 6.300 tỷ đồng, sắp thông xe.
Cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2026, góp phần thúc đẩy đồng bằng Mekong phát triển. Cao tốc trục ngang thứ hai Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155 km, đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành sau ba năm.
Còn hai tuyến khác gồm: An Hữu - Cao Lãnh dài hơn 28 km, qua tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, kinh phí thực hiện hơn 5.500 tỷ đồng, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km có vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, kết nối với tuyến Cao Lãnh - Kiên Giang trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây.