Xây khu tái định cư 88 triệu đô cho 240 hộ dân Phan Rang-Tháp Chàm. Dự định hoàn thành vào 8/2021, khu tái định cư (TĐC) cho 240 hộ chịu tác động của biến đổi khí hậu thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố vùng duyên hải - Tiểu dự án TP. Phan Rang-Tháp Chàm.
Sáng 17/12, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã diễn ra lễ động thổ xây dựng khu TĐC cho 240 hộ dân chịu tác động của biến đổi khí hậu, thuộc dự án Môi trường bền vững các thành phố vùng duyên hải - Tiểu dự án TP. Phan Rang-Tháp Chàm, với vốn đầu tư gần 88 triệu đô.
Dự án do Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án O.D.A ngành nước tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần 208 là đơn vị thi công, được thực hiện từ nay và hoàn thành vào tháng 8/2021.
Ông Đỗ Khoa Danh, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án O.D.A ngành nước tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án được thực hiện trong hai giai đoạn. Theo đó, giai đoạn một sẽ cải tạo mở rộng kênh Tấn Tài (Kênh Ông Cố); kênh Chà Là; kênh Nhị Phước; xây mới Kênh Đông Nam; xây dựng tuyến cống thoát nước cấp 2; xây nhà vệ sinh trường học và công cộng. Đồng thời mở rộng và kéo dài hẻm 150 thuộc khu TĐC Phan Đăng Lưu.
Giai đoạn hai sẽ xây dựng hồ điều hòa trung tâm; cải tạo hồ Đông Hải; mở rộng và kéo dài đường Huỳnh Thúc Kháng; cải tạo và mở rộng đoạn còn lại của các kênh Tấn Tài, Chà Là, Nhị Phước. Bên cạnh đó, dự án còn nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Phan Rang-Tháp Chàm và xây dựng tuyến cống thoát nước cấp 02 và 03.
khu TĐC Phan Đăng Lưu thuộc giai đoạn một của dự án với quy mô 5,6ha thuộc địa bàn phường Phước Mỹ và xã Thành Hải, TP. Phan Rang-Tháp Chàm.
Các hạng mục của khu TĐC gồm đường giao thông; hệ thống cấp nước, thoát nước thải; công viên cây xanh; hệ thống an toàn giao thông; các hệ thống ngầm kỹ thuật bao gồm điện và hệ thống chiếu sáng.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UB-ND tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án môi trường bền vững các thành phố vùng duyên hải - Tiểu dự án TP. Phan Rang-Tháp Chàm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và chủ trương đầu tư dự án.
Dự án có vốn đầu tư gần 2 ngàn tỷ VNĐ; trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 1.655 tỷ VNĐ, còn lại là vốn đối ứng.
Quy mô dự án đầu tư gồm bốn hợp phần; trong đó hợp phần một là thực hiện hạ tầng vệ sinh; hợp phần hai là kết nối đô thị; hợp phần ba là thực hiện tái định cư và giải phóng mặt bằng và hợp phần bốn là hỗ trợ kỹ thuật và cải cách thể chế.
Dự án được ký Hiệp định tài trợ vào tháng 10/2017, thời gian thực hiện là năm năm (2018 đến 2022). Dự án đã được Quốc hội bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 đến 2020.
Ông Lưu Xuân Vĩnh nhấn mạnh đây là dự án quy mô lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Dự án được thực hiện sẽ giúp cải thiện khả năng tiêu thoát nước mưa, giải quyết ngập lụt đô thị, cải thiện vệ sinh môi trường, giao thông nội đô, hoàn thiện hạ tầng đô thị của thành phố và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng đời sống người dân, giúp địa phương thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ông Lê Duy Hưng, chuyên gia cao cấp, đại diện WB tại Viêt Nam, chủ nhiệm dự án, cho biết khu TĐC Phan Đăng Lưu là hạng mục công trình đầu tiên của dự án được triển khai xây dựng.
Để người dân sớm được thụ hưởng công trình với chất lượng cao, đảm bảo tiến độ, WB đề nghị UB-ND tỉnh Ninh Thuận tạo thuận lợi, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng, hoàn tất một số công việc còn tồn tại để giải phóng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện để đến cuối năm 2021 đưa vào sử dụng.
WB cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ cao nhất cho dự án; đồng thời sẵn sàng đồng hành cùng các Bộ, ngành Trung ương có liên quan cũng như UB-ND tỉnh và chủ đầu tư để giải quyết, khắc phục sự chậm trễ trong việc bố trí vốn O.D.A và vốn đối ứng, quá trình thiết kế, thẩm định phê duyệt đầu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng… để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng với chi phí dự án hợp lý, mang lại lợi ích cao nhất cho người dân của thành phố.
Dự án môi trường bền vững các thành phố vùng duyên hải tại Việt Nam được thực hiện tại bốn thành phố là Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận); Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa); Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Dự án được thực hiện sẽ mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực cho hơn 1 triệu người dân của bốn thành phố trên.